1 phút phân loại rác để bảo vệ môi trường

04/10/2018

Một quy trình gom rác hàng ngày là nhân viên môi trường đến các địa điểm tập kết rác thu gom lên xe rác và chuyển đến bãi tập trung và xử lý. Chúng ta có bao giờ đặt ra câu hỏi, chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm với môi trường?

Thói quen hàng ngày của người Việt Nam như thế nào?
Sau khi rác được thu gom tại điểm tập kết, rác thải sinh hoạt được đưa đến bãi xử lý để phân loại. Rác vô cơ (bao gồm chai lọ thuỷ tinh, vật dụng cao su, túi nilon…) được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc tái chế. Rác hữu cơ (các loại rau, củ quả, cơm/ canh/ thức ăn còn thừa hoặc bị thiu…) được đưa vào hố ủ trộn, sau đó được sử dụng làm nguyên liệu làm phân bón sinh học.
Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải chu trình chuẩn và tối ưu nhất để xử lý chất thải. Để việc xử lý rác thải đạt hiệu quả cao, việc phân rác tại nguồn đóng vai quan trọng. Hầu hết, rác vô cơ và hữu cơ bị trộn lẫn, được đổ chung trong hố xử lý. Theo thống kê một ngày trung bình 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường.
Rác hữu cơ và rác vô cơ có quy trình xử lý khác nhau, khi trộn lẫn với số lượng lớn khiến việc phân loại ở giai đoạn này khó khăn và phức tạp hơn. Rác không thể tái chế nếu xử lý không đúng cách sẽ gây hại đến môi trường, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng. Đáng lo ngại hơn, khi trôn lẫn với rác hữu cơ, túi nilon sẽ ngăn chặn quá trình phát triển của các vi sinh vật trong tự nhiên cũng như các vấn đề liên quan đến nguồn nước.
 
Đã từng có giải pháp?
Cách đây 10 năm, Thành phố Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước đã thực hiện dự án “3R” với các thùng rác phân loại có màu cam xanh (màu cam dành cho rác vô cơ, xanh dành cho rác hữu cơ) được đặt tại nhiều điểm trên nhiều tuyến phố trọng điểm. Dự án nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc phân loại rác thải.
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2009 với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA với số vốn là 45,9 tỷ đồng. Bước đầu dự án được sự ủng hộ nhiệt tình của các hộ dân. Người người nhà nhà hào hứng phân loại rác. Mỗi chiều về đều nghe giai điệu của bài hát 3R quen thuộc nhắc nhở mọi người đến giờ đổ rác. Tình trạng rác thải được phân loại cải thiện rõ rệt và giảm bớt gánh nặng cho những nhân viên công ty môi trường.
Tuy nhiên, về sau, người dân đã dần quên việc phân loại rác, và sự háo hức mỗi khi có tiếng kẻng rác đến. Hiện nay, như chúng ta đã thấy: thùng rác 3R có màu cam xanh quen thuộc không còn được sử dụng đúng chức năng. Rác vô cơ và rác hữu cơ trộn lẫn trong hai thùng hoặc rác thải chất đống bên cạnh thùng rác rỗng. Điều này cho thấy nhận thức của người dân về phân loại rác và môi trường vẫn chưa cao và chưa có nguồn thông tin chính thống cũng như có các chính sách, tuyền truyền phù hợp để người dân thực hiện theo.
Người dân nên bắt đầu lại từ đâu?
“1 phút để phân loại rác” là quy tắc đơn giản mà hiệu quả dành cho mỗi hộ gia đình. Việc phân loại rác sẽ trở nên đơn giản hơn nếu mỗi người trong chúng ta dành 1 phút trong ngày để làm công việc nhỏ vì môi trường. Và tốn chưa đến 50k để mua hai loại thùng rác nhau để trong nhà.
Đối với rác hữu cơ có tính phân hủy cao, chúng ta để riêng vào một thùng có nắp đậy để mùi hữu cơ phân hủy không gây mất vệ sinh cho môi trường sống.
Đối với rác vô cơ bao gồm túi nilon, vỏ chai thủy tinh, vỏ chai nhựa… chúng ta để riêng ở góc nhà hoặc vào một thùng riêng.
 Mỗi gia đình đều dành 1 phút, đã thành công trong việc giảm thiếu áp lực phân loại rác ở công đoạn xử lý, tiết kiệm chi phí phân loại cũng như bảo vệ môi trường sống chung của nhân loại.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại túi sinh học phân hủy hoàn toàn cũng góp phần bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Các sản phẩm túi sinh học phân hủy hoàn toàn được sản xuất từ nguyên liệu nhựa tự hủy và tinh bột. Sản phẩm cho ra cuối cùng khi thải ra môi trường là C02, nước và phân mùn có lợi cho cây trồng và môi trường. Đây là một trong những phương pháp bảo vệ môi trường hiệu quả nhất hiện này.
Rate this post