CEO An Phát Holdings: “Doanh nghiệp Việt phải biết bắt tay nhau, cùng đi đường dài”

28/11/2019

“Tôi tin rằng mô hình bắt tay giữa công ty sản xuất với nhau, như cách chúng tôi đã làm để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là hướng đi tốt, thúc đẩy sự phát triển chung bền vững và mở rộng chuỗi giá trị. Doanh nghiệp Việt phải biết bắt tay nhau, cùng đi đường dài”.

Đó là thông điệp mà ông Đinh Xuân Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings đưa ra tại Hội nghị Sản xuất Toàn cầu 2019 do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), nhóm thành viên của Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Là diễn giả Việt Nam duy nhất tại Hội nghị Sản xuất Toàn cầu 2019, đồng hành, tranh luận cùng các nhà kinh tế, các chuyên gia cao cấp đến từ các Tổ chức tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới… CEO An Phát Holdings đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ khẳng định bản lĩnh, quyết tâm của đại diện doanh nghiệp Việt Nam.
Ông cũng cung cấp những nhận định, đánh giá ấn tượng giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Việt Nam, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

 TGĐ Tập đoàn An Phát Holdings là diễn giả Việt Nam duy nhất tại Hội nghị Sản xuất Toàn cầu 2019 do IFC tổ chức.

Doanh nghiệp Việt đang sở hữu chìa khóa để hội nhập

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia nhận định, ngành sản xuất vẫn là động lực phát triển chính của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, vẫn có không ít thách thức và khó khăn cho các nhà sản xuất.
Theo ông Đinh Xuân Cường, là thị trường mới nổi, Việt Nam hiện đang sở hữu chìa khóa để hội nhập nhanh chóng, đó là cơ hội kế thừa, tiếp cận thông tin, tiếp cận những tiến bộ của khoa học công nghệ một cách nhanh chóng và dễ dàng.
“Sự thực là bên cạnh những thách thức, chúng tôi đang được hưởng lợi về nhiều mặt, đặc biệt là từ việc khai thác những thành tựu công nghệ hiện đại khi Việt Nam đang hội nhập rất nhanh và toàn diện với nền kinh tế thế giới”, ông Cường cho biết.

Ông Đinh Xuân Cường, CEO An Phát Holdings tại Hội nghị Sản xuất Toàn cầu của IFC.

Đúng như lời CEO 7X, sự tiến bộ về công nghệ sản xuất và việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển đã và đang giúp khối nước công nghiệp đang phát triển như Việt Nam nâng cao trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, tiếp cận đến các dòng sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, qua đó cũng cải thiện trình độ người lao động.
Những thay đổi công nghệ sản xuất mới giúp doanh nghiệp cải tiến, tối ưu hóa các sản phẩm truyền thống, tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phong phú của nhiều nhóm khách hàng hơn, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa…
Tại Việt Nam, trong ngành nhựa, An Phát Holdings là doanh nghiệp có hệ thống máy móc, nhà xưởng hiện đại bậc nhất. Tập đoàn thường xuyên cập nhật các loại máy móc, công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất và không ngừng sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến, chủ động phát triển công nghệ.
Chính sự chủ động thay đổi, cập nhật kịp thời đó đã giúp doanh nghiệp thu được nhiều hiệu quả trong việc tối ưu hóa chi phí, cắt giảm những chi phí không cần thiết trong sản xuất, tăng cường tự động hóa, nâng cao chất lượng – hình thức sản phẩm, tăng tỷ lệ lợi nhuận gộp, tăng cường khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Muốn đi đường dài, phải biết đi cùng nhau

Nhận định đổi mới công nghệ sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt hội nhập và phát triển, tuy nhiên, Tổng Giám đốc An Phát Holdings còn nhấn mạnh vào sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững, có được những bước tiến dài.

Ông Đinh Xuân Cường tranh luận diễn thuyết cùng các nhà kinh tế, các chuyên gia cao cấp đến từ các Tổ chức tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới…

“Tôi tin rằng mô hình bắt tay giữa công ty sản xuất với nhau, như cách chúng tôi đã làm để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là hướng đi tốt, thúc đẩy sự phát triển chung bền vững và mở rộng chuỗi giá trị. Doanh nghiệp Việt phải biết bắt tay nhau, cùng đi đường dài.
Thông điệp mà tôi muốn đưa ra tại thời điểm này chính là cần biết nắm bắt xu thế, tôn trọng khách hàng, biết người biết ta để sẵn sàng cạnh tranh và phát triển. Đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất thì cần sản xuất một cách chuyên sâu và có tâm, để có được những sản phẩm đạt chất lượng ngang tầm thế giới”, ông Cường nói.

Hội nghị Sản xuất Toàn cầu 2019 (IFC Global Manufacturing Conference) diễn ra từ 13 – 14.11.2019 tại TP.Marrakech, Morocco (Châu Phi).
Là một trong những hội nghị uy tín, tầm cỡ thế giới, IFC Global Manufacturing Conference là nơi kết nối, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các cơ hội và thách thức của việc ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.

 

 

Rate this post