An Phát Holdings Và Hành Trình Trở Thành Tập đoàn Nhựa Sinh Học Lớn Nhất Đông Nam Á

30/07/2020

Từ ngành nghề kinh doanh duy nhất là bao bì mảng mỏng, trải qua gần 20 năm, An Phát Holdings (APH) đã có trong tay hệ sinh thái đa ngành, hơn 5.000 nhân viên, 15 công ty thành viên hiện diện trên khắp lãnh thổ Việt Nam cùng nhiều chi nhánh trên toàn cầu. Hiện tại, APH đang tiến những bước rất nhanh để đến với mục tiêu gần: trở thành Tập đoàn nhựa sinh học lớn nhất Đông Nam Á.

Ban Lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings tại Lễ Niêm yết cổ phiếu APH tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (28/7)

Bứt phá mạnh mẽ sau khi thành lập Holdings

Tiền thân là công ty sản xuất bao bì màng mỏng nhỏ được thành lập năm 2002, An Phát Holdings đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất bao bì màng mỏng số 1 Đông Nam Á và Tập đoàn nhựa đa ngành. Đây là câu chuyện thành công lớn của một doanh nghiệp dám “Thay đổi”.

Hiện tại,  APH mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực: Sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, Nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, Cơ khí chính xác và khuôn mẫu, Nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, Bất động sản công nghiệp với 15 công ty thành viên tại Việt Nam cùng các chi nhánh hiện diện tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Pháp.

APH cũng sở hữu trực tiếp 2 công ty đang niêm yết là CTCP Nhựa Hà Nội (Mã CK: NHH) và CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã CK: AAA) và sở hữu gián tiếp hơn 10 công ty thông qua 2 công ty niêm yết nói trên.

Năm 2017 được coi là cột mốc đầu tiên cho thời kỳ phát triển vượt bậc của APH khi Công ty Cổ phần Tập Đoàn An Phát Holdings (APH) chính thức thành lập, đánh dấu bước chuyển đổi sang mô hình Tập đoàn đồng thời trở thành đơn vị sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á. Sau 3 năm, vốn điều lệ của APH hiện đã tăng lên gần 63 triệu USD. APH cũng mở mới hơn 10 công ty thành viên và hàng loạt dự án quy mô lớn trong và ngoài nước, đạt được những bước tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, từ doanh thu 106 triệu USD năm 2017, APH đã đạt 405 triệu USD, tăng gấp 4 lần vào 2019, tương đương tốc độ tăng trưởng kép đạt 96%. Vốn chủ sở hữu năm 2019 đạt 173 triệu USD, tăng 104% so với năm 2017; tổng tài sản năm 2019 đạt gần 426 triệu USD, tăng gần 2 lần so với năm 2017.

Đặc biệt, từ 2017 – 2019, tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của APH đạt mức 131%, lợi nhuận sau thuế 2019 đạt 30 triệu USD, gấp hơn 5 lần so với 2017. Chỉ số ROE từ dao động quanh mức 7,0 – 7,2% năm 2017, 2018 đã tăng lên 20,4% năm 2019, chứng minh hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Tính tới quý II/2020, các sản phẩm của APH đã có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Ngoài bao bì là điểm mạnh truyền thống, từ khi thành lập Holdings, APH đã liên tục mở rộng sang những lĩnh vực kinh doanh mới, bao gồm: Công nghiệp hỗ trợ, Bất động sản công nghiệp và Sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn.

Về công nghiệp hỗ trợ, APH tập trung phát triển công nghệ cao, đích đến là tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giai đoạn cuối 2018 – 2019, Tập đoàn này đã liên tục đầu tư vào 3 dự án lớn là: Mua lại một công ty nổi tiếng sản xuất phụ tùng ô tô – xe máy; Hợp tác với một Tập đoàn lớn nhất Việt Nam để thành lập nhà máy cung ứng linh kiện ô tô; Tăng qui mô đầu tư cho nhà máy sản xuất linh kiện điện – điện tử.

APH cũng là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt Nam dám đầu tư cho mảng cơ khí chính xác và khuôn mẫu. Hiện tại, Tập đoàn này đang sở hữu 1 nhà máy khuôn mẫu và được định hướng trở thành nhà máy khuôn mẫu số 1 Viêt Nam. Có trong tay tệp khách hàng uy tín là các công ty đa quốc gia như Toyota, Samsung, Honda, LG, Panasonic… đã chứng minh năng lực vượt trội của APH trong lĩnh vực này. APH cũng được Bộ Công thương, chính quyền tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam chọn là doanh nghiệp đầu tàu để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hải Dương (cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km).

Về bất động sản công nghiệp, mặc dù mới chỉ chính thức tham gia từ đầu năm 2019 nhưng chỉ sau hơn 1 năm, APH đã có mặt trong Top 10 khu Bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận cao nhất Việt Nam. Khu công nghiệp An Phát Complex, Quốc Tuấn – An Bình của APH đều thuộc tam giác kinh tế trong điểm phía Bắc Việt Nam. APH đang xây dựng 2 khu công nghiệp này theo hướng tổ hợp hệ sinh thái xanh, cùng chính sách dịch vụ một cửa (one-stop services). Hiện mảng bất động sản công nghiệp đóng góp 11% vào lợi nhuận gộp của APH.

Về mảng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, APH định hướng đây sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn, đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu sắp tới.  Tập đoàn cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Việt Nam

Phát triển Sản phẩm và nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn – quân bài chiến lược

Sản phẩm thân thiện môi trường được dự báo sẽ chiếm từ 20 – 30% tổng sản phẩm nhựa trên toàn thế giới trong vòng 3 – 5 năm tới. Các quốc gia trên thế giới ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh xu thế tiêu dùng xanh, đặc biệt là châu Âu và Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước Hội nghị G20 ngày 29/6/2019 rằng tới 2025, Việt Nam phấn đấu không dùng đồ nhựa dùng một lần. Do đó, việc chuyển đổi sang phát triển sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn được cho là bước đi chiến lược đúng đắn dự báo sẽ mang đến sự đột phá cho APH.

Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch APH chia sẻ: “An Phát sẽ đi đúng xu thế chung của thời đại, tập trung vào các sản phẩm xanh và các sản phẩm này sẽ chiếm phần lớn trong tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong tương lai”.

Tuy nhiên, với mục tiêu đến năm 2023 sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì, APH phải đối mặt với ba bài toán liên quan đến: công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu và giá thành sản phẩm.

Để giải quyết vấn đề công nghệ sản xuất, tháng 6/2019, APH đã đầu tư 51% vào Công ty Top Leaf Company (Hàn Quốc) – một trong 5 công ty sở hữu  sáng chế về nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới đồng thời chuyển đổi thành Công ty AnKor Bioplastics. Điều này giúp APH trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên làm chủ công nghệ sản xuất nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn bên cạnh một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới như BASF, Novamont, NatureWork, … Sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn của APH đạt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất như TUV OK Compost HOME, TUV OK Compost INDUSTRIAL và hiện đang có mặt tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu.

Về nguyên liệu sản xuất, sau khi nắm giữ sáng chế, APH đã công bố triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm.

APH cho biết trong 3 – 5 năm tới, tỉ trọng sản phẩm túi sinh học phân hủy hoàn toàn có thể tăng từ 10% hiện tại đến khoảng 50% trong cơ cấu doanh thu bao bì. Sản phẩm mới có thể giúp cải thiện đáng kể tỉ suất lợi nhuận gộp của APH lên 20% so với mức bình quân 14% của bao bì thông thường, tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30% cho các công ty con trong khi công ty mẹ vẫn hưởng biên lợi nhuận gộp từ 25 – 30% của dự án này.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại các nhà máy thuộc Tập đoàn An Phát Holdings

Bước đi IPO quyết định, đưa cổ phiếu đầu ngành nhựa Việt Nam lên sàn chứng khoán

Tháng 6/2020 vừa qua, An Phát Holdings tổ chức đấu giá 4,3 triệu cổ phiếu tương đương 3% cổ phần nhằm huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.

Phiên chào bán cổ phiếu lần đầu đã có hơn 109 nhà đầu tư tham dự, khối lượng đặt mua 20,76 triệu đơn vị, gấp gần 5 lần số lượng chào bán. Giá trúng đấu giá bình quân lên tới hơn 2 USD/cổ phiếu, gấp hơn hai lần giá khởi điểm. Sau IPO 3% cổ phần, APH thu về hơn 9 triệu USD và được định giá gần 281 triệu USD.

APH dành phần lớn cổ phiếu đợt phát hành lần đầu cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính dài hạn. Năm 2020, APH dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu mới, tương đương 14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Hiện APH đang làm việc với gần 10 nhà đầu tư tài chính và chiến lược đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và một số tổ chức đa quốc gia.

Với nhu cầu cho dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT là hơn 70 triệu USD, APH dự kiến huy động 50% từ nguồn vốn chủ sở hữu và 50% còn lại là nguồn vốn vay. Kế hoạch trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc huy động 80% lượng vốn cần thiết, phần còn lại sẽ huy động trong năm 2021 chủ yếu dưới hình thức vay thương mại hoặc trái phiếu trơn.

Mục tiêu lâu dài của APH là đưa tất cả các công ty thành viên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngày 28/07 vừa qua, An Phát Holdings đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là APH. HoSE là sàn chứng khoán uy tín nhất Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của APH, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cùng phát triển, khẳng định vị thế Tập đoàn Nhựa sinh học lớn nhất Đông Nam Á trong thời gian sắp tới.

(Nguồn: https://english.thesaigontimes.vn/77799/an-phat-holdings-on-the-way-to-becoming-aseans-biggest-bio-plastics-group.htm)l

Rate this post